TỌA ĐÀM ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CHUYÊN BIỆT ĐÁP ỨNG ĐỔI MỚI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG

Năm 2022, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu tổ chức Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt cho khoảng hơn 2 nghìn thí sinh với các bài thi Toán học, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn và Tiếng Anh. Nhằm đánh giá vai trò của các Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt trong bối cảnh tuyển sinh đại học, cao đẳng của Việt Nam hiện nay và những năm tiếp theo, vào ngày 28/02/2023 tại phòng C207 cơ sở 280 An Dương Vương, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm: “Đánh giá năng lực chuyên biệt đáp ứng đổi mới tuyển sinh đại học, cao đẳng”.

Đến tham dự Tọa đàm có các đại biểu đến từ các trường cao đẳng, đại học trong cả nước bao gồm trường thuộc khối ngành sư phạm, khối ngành sức khỏe, khối ngành quân đội, công an, đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo ở khu vực phía Nam và các đơn vị trong Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn - hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM, thực hiện lộ trình Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nếu dạy học theo phẩm chất, năng lực thì việc đánh giá không thể không bám sát theo định hướng này. "Cần khẳng định vai trò của các kỳ thi đánh giá năng lực này là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay để phục vụ cho nhu cầu tuyển sinh cụ thể của các trường" – GS.TS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh. Thầy cũng đã đặt vấn đề: “Các trường hoàn toàn có quyền cùng làm với nhau về một kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt nhằm tối ưu hoá nguồn lực, tiết kiệm chi phí, giảm gánh nặng cho học sinh và đáp ứng nhu cầu tuyển sinh cho các trường”.

Cùng chia sẻ trong buổi tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thành Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế đánh giá, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt đáp ứng được xu thế và nếu sử dụng được thì rất tốt cho công tác tuyển sinh của trường. Ông cho biết sẽ cân nhắc việc sử dụng chung kỳ thi đánh giá năng lực của Trường song mong muốn các chuyên gia của ĐH Sư phạm Huế được cùng tham gia thiết kế, xây dựng ngân hàng câu hỏi, sử dụng nguồn nhân lực chung của hai trường để đánh giá các bộ đề. Đồng thời kiến nghị Bộ GD-ĐT không nên lập quá nhiều trung tâm đánh giá năng lực bởi nhiều quá sẽ loãng mà chỉ cần 2 đầu ở Hà Nội và TPHCM là đủ.

"Không phải bạn nào có điểm đầu vào cao thì quá trình học cũng thể hiện được năng lực tốt. Do đó, định hướng của trường là đổi mới tuyển sinh đầu vào để tuyển thí sinh năng lực phù hợp với quá trình học và chuẩn đầu ra" PGS.TS Ngô Quốc Đạt - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TP.HCM chia sẻ.

Nhìn từ đơn vị phổ thông, ông Nguyễn Hồng Phúc - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Long An khẳng định, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt là phù hợp với công tác tuyển dụng giáo viên khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, phù hợp với mục tiêu giáo dục theo chương trình mới khi đào tạo theo hướng năng lực thì không thể tuyển sinh chỉ dựa trên kiến thức. Thời gian tới, địa phương sẽ nghiên cứu kiểm tra đánh giá học sinh trong quá trình học gắn với việc đánh giá năng lực chuyên biệt hiện nay đào tạo.

Năm 2023, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tổ chức Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt với hình thức, định dạng bài thi giữ ổn định như năm 2022 và tăng số lượng đợt thi, điểm thi tại các tỉnh. Trường mong muốn được phối hợp với các cơ sở giáo dục, các cơ quan quản lý giáo dục các tỉnh, thành để tổ chức kỳ thi và khai thác, sử dụng kết quả của kỳ thi phục vụ cho tuyển sinh cao đẳng, đại học và đánh giá chất lượng giáo dục tại địa phương.

Các mốc thời gian kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường đại học Sư phạm TP.HCM năm 2023

Đợt 1 thi tại TP.HCM ngày 13 và 14-5. Đăng ký trực tuyến (dgnl.hcmue.edu.vn) từ ngày 20-3 đến 25-4. Ngày 5 đến 10-5 nhận giấy báo dự thi qua email đã đăng ký. Ngày 25 đến 30-5 nhận kết quả thi qua email hoặc tra cứu trên website.

Đợt 2 thi tại TP.HCM và Long An/Bình Dương ngày 10 đến 15-7. Đăng ký trực tuyến từ ngày 1 đến 30-6. Ngày 1 đến 5-7 nhận giấy báo dự thi qua email đã đăng ký. Ngày 23 đến 28-7 nhận kết quả thi qua email hoặc tra cứu trên website.